Hấp lực khó tả đến từ các món tráng miệng truyền thống kiểu Hàn
Trong những năm gần đây, các món bánh tráng miệng đặc sản ở Hàn Quốc đã trở nên quá quen thuộc với du khách đặt vé máy bay giá rẻ. Các loại kẹo, bánh ngọt làm từ bột nếp, hoa quả, các loại hạt dinh dưỡng ăn kèm nước trà giải khát luôn hấp dẫn thực khách bởi màu sắc bắt mắt cùng hương vị thơm ngon khó cưỡng. Chúng không những mang lại may mắn vào những dịp đặc biệt theo quan niệm của người dân địa phương mà còn là quà lưu niệm tuyệt vời cho du khách trong những chuyến đi.
Những món tráng miệng truyền thống đặc trưng của người Hàn
Gangjeong
Đây là một loại kẹo truyền thống luôn có mặt trong các dịp lễ đặc biệt trong năm của người bản xứ như thờ cúng tổ tiên hoặc các buổi tiệc lớn. Gangjeong được làm từ bột nếp nhào với nước, cắt thành từng miếng vừa ăn rồi nhúng vào chảo dầu đang sôi, bên ngoài phủ một lớp mật ong. Gangjeong cũng có thể làm từ các loại hạt trộn với nhau nhờ chất kết dính là siro jocheong. Tùy theo thành phần nguyên liệu mà kẹo gangjeong có nhiều loại khác nhau như quế, đậu, phấn hoa thông, vừng… Kẹo ngọt thích hợp với mọi lứa tuổi.
Tteok
Là món bánh gạo truyền thống xứ kim chi được làm từ bột nếp. Người dân bản xứ sẽ dùng món bánh này vào các dịp biểu hiện hàm ý là sự khởi đầu như sinh nhật hay kết hôn. Tteok cũng có nhiều loại đa dạng do thành phần nguyên liệu, cách chế biến, vùng miền, tạo hình bánh khác nhau. Có 4 loại phổ biến nhất là injeolmi, baekseolgi, songpyeon và jeolpyeon.
Yugwa
Ban đầu người ta sẽ dùng bột gạo nếp trộn đều với nước rồi nhào thật kỹ, sau đó mang đi hấp trước khi chia thành từng miếng nhỏ rán trên chảo dầu. Bột đã chiên xong thì tẩm bên ngoài bằng jocheong hoặc mật ong. Tuy các công đoạn hơi cầu kỳ những những thành phẩm làm ra thì ngon không phải bàn. Những chiếc kẹo yugwa khi nhai sẽ tan ra trên đầu lưỡi và để lại dư vị khó quên. Yugwa lúc đầu chỉ có màu trắng, song người ta đã biến tấu cho thêm bí ngô, gạo đen để tăng thêm sắc màu cho miếng kẹo nhằm tăng sự hấp dẫn.
Yakgwa
Yakgwa là món bánh làm từ bột lúa mì, mật ong, dầu vừng, nước gừng… trộn chung lại với nhau rồi đem chiên trên chảo dầu, sau đó được nhúng vào mật ong. Món tráng miệng này vừa ngọt vừa mềm rất kích thích vị giác. Yakgwa chia thành các loại dựa trên kích cỡ như dae-yakgwa (lớn), jung-yakgwa (vừa) và so-yakgwa (nhỏ). Du khách sẽ dễ dàng tìm mua loại bánh này ở các khu chợ truyền thống Hàn Quốc hoặc tại các siêu thị.
Maejakgwa
Là loại bánh làm từ bột mì nhào cùng với bột gừng rồi cuộn mỏng lại. Miếng bột sẽ được cắt tạo thành các hình chữ nhật, nắn giống như dải ruy băng trước khi đem rán và nhúng qua lớp mật ong. Thành phẩm sẽ rất thơm, giòn, hương vị đậm đà nhờ cho thêm gừng và quế.
Yeot
Yeot là kẹo mạch nha có vị ngọt đạm làm từ bột nếp. Mỗi khu vực sẽ có cách làm yeot khác nhau như Pyeongchang yeot có vị ngô, Ulleung-do yeot có vị bí ngô hay Changpyeong yeot có vị siro. Yeot cũng có hai dạng là cứng và mềm. Loại cứng giống như snack, loại mềm giống như các loại bánh gangjeong và jeongwa. Theo quan niệm của người Hàn thì yeot mang lại may mắn nên họ thường ăn yeot trước các kỳ thi để mong muốn đạt kết quả tốt.
Hwangnam-ppang
Hwangnam-ppang là loại bánh có nguồn gốc từ huyện Hwangnam-dong của Gyeongju. Bột mì làm nên món bánh phải tuân theo tỷ lệ bột, nước rất nghiêm ngặt sau đó nhồi cùng với đậu đỏ, tiếp theo là nắn tròn, khắc trang trí trên bề mặt trước khi cho vào lò nướng. Món bánh chín tỏa hương thơm lừng nhờ vị ngọt thơm của đậu đỏ. Hwangnam-ppang là đặc sản mà du khách nhất định phải nếm thử khi ghé thăm Gyeongju.
Kkul-ppang
Du khách đặt vé máy bay đi Hàn Quốc đừng bỏ quên món bánh Kkul-ppang, đặc sản trứ danh của Tongyeong. Kkul-ppang, nghĩa đen có nghĩa là “bánh mật”, ra đời vào những năm 1960. Kkul-ppang thoạt nhìn trông giống như một chiếc bánh rán vòng bao phủ lớp mật ong bên ngoài và có vị ngọt vừa phải. Món bánh là sự kết hợp của bột lúa mì, bột đậu đỏ, qua công đoạn chiên và tráng một lớp siro để tăng độ bóng. Ngày nay để tăng sự phong phú cho món bánh, người ta đã thay bột đậu đỏ bởi khoai lang, hạt dẻ, trà xanh và rất được ưa chuộng.