-
Hà Nội ngàn năm văn hiến
Thuộc “Top 17 thủ đô lớn nhất thể giới”, Hà Nội sớm trở thành trung tâm chính trị - văn hóa ngay từ buổi đầu lịch sử Việt Nam. Thủ đô là tiếng gọi thân thương từ sâu thẳm trái tim, nơi ta tìm về những giá trị văn hiến ngàn năm. Hoàng thành Thăng Long, văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lễ hội Thánh Gióng được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới là niềm tự hào của cả nước.
-
Vẫn còn đó “ba sáu phố phường” cổ kính, nơi bảo tồn nguyên vẹn các con phố nghề đặc trưng: Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đường, Hàng Thùng… để những người yêu Hà thành tìm về, hòa cùng nhịp sống yên bình tưởng đã lãng quên giữ bộn bề hối hả.
-
Những món ăn ngon: chả cá Lã Vọng, bún chả, bún thang, phở, xôi, bánh cốm… không chỉ làm thực khách no lòng mà còn là nét văn hóa tinh tế, cầu kỳ gìn giữ từ bao đời. Hà Nội giống như một tình yêu không thể gọi tên mà chỉ biết ngắm nhìn và cảm nhận. Nơi ấy, bốn mùa xuân – hạ - thu – đông nối tiếp nhau không phải theo vòng quay của vũ trụ mà theo cảm xúc của mỗi người.
-
Mùa xuân khoe sắc thắm bằng những cánh đào chúm chím, hương trầm thoang thoảng và mùi bánh chưng mới chín tới làm người đi xa phải da diết nhớ mong. Mùa hạ đỏng đảnh trong cái oi nồng nhưng cũng tặng cho đời sắc phượng hồng, bằng lăng rực rỡ, hương sen Tây hồ dịu ngọt buổi sớm mai. Mùa thu mang trong theo những hoài niệm ngọt ngào trên đám lá vàng rơi, chút hanh hao của nắng gió và hương hoa sữa thơm nồng lúc đêm về. Phố mùa đông, choàng vội chiếc áo ấm đi ra đường, suýt xoa ăn ngô nướng, ốc luộc là cả một trải nghiệm không thể bỏ qua… Chẳng thế mà những con phố cũng được ghi nhớ trong tiềm thức. Chẳng thế mà, lữ khách khi xa Hà thành phải tiếc nhớ và hẹn ngày quay về…
-
TP.HCM - hòn ngọc Viễn Đông
Không cổ kính như Hà Nội, TP.HCM mang nét đẹp trẻ trung và hiện đại, cuốn hút du khách từng phút từng giây. Sự kết tinh của lịch sử truyền thống hòa quyện cùng các nền văn hóa đặc sắc trên thế giới đã tạo nên một “hòn ngọc Viễn Đông” quyến rũ. TP.HCM vừa mang trong mình gam màu đa sắc, hướng ngoại vừa gìn giữ những dấu xưa trầm tích trong từng mái nhà.
-
Đi trên phố, ta dễ dàng nhận ra một diện mạo kiến trúc khá đa dạng và đặc sắc. Phong cách Pháp hiển hiện rõ ràng trên từng đường nét, hoa văn chạm trổ ở UBND thành phố, nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, nhà hát, bến Nhà Rồng… Những công trình đền chùa, miếu sơn son thếp vàng của người Hoa khu vực Chợ Lớn lại tô điểm cho diện mạo của phố xá thêm lộng lẫy.
-
Có rất nhiều lựa chọn để bạn khám phá thành phố: xuôi thuyền du ngoạn sông Sài Gòn, tắm biển tại Cần Giờ, tham quan các công trình kiến trúc hay chỉ đơn giản là ngồi một góc công viên nhà thờ Đức Bà và nhâm nhi ly cà phê sữa đá.... Nhiều người ví von TP.HCM không có đặc sản, bởi đặc sản của nó vốn dĩ là ẩm thực cả nước và thế giới qua quá trình “Sài Gòn hóa” mà tạo thành bản sắc riêng. Ta dễ dàng tìm thấy vô số món ngon Bắc – Trung - Nam “vừa quen vừa lạ” khi đã được gia giảm cho hợp khẩu vị thực khách địa phương.
-
Và trên những con phố tấp nập ấy, đừng bỏ qua chuyến mua sắm thú vị tại các trung tâm thương mại, khu chợ truyền thống bày bán cơ man đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, hàng thời trang… Buổi tối, vi vu chợ Bến Thành, ăn bánh tráng trộn và ngắm đường phố Sài Gòn lung linh về đêm quả là một trải nghiệm thú vị. Ẩn sau cái hối hả của một đô thị sầm uất kia là những con người Sài thành thân thiện, sẵn sàng chào đón bạn. Thế nên, sau mỗi lần ghé thăm, nó lại khiến ta lưu luyến không muốn rời xa.
Từ 3/11 - 2/3/2015, Travel & Leisure đã khảo sát 17.000 độc giả dựa theo các tiêu chí: bề dày văn hóa, người dân thân thiện, những đền đài, di tích cổ kính… Đây là năm thứ 20 tạp chí du lịch uy tín này công bố danh sách bình chọn. Vị trí cụ thể: Kyoto (Nhật Bản), Siem Reap (Campuchia),Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hà Nội (Việt Nam), Thượng Hải (Trung Quốc), TP.HCM (Việt Nam) & New Delhi (Ấn Độ).