Nguyễn Thu là một cô gái sống ở Hà Nội nhưng đang du học ở Quảng Châu, Trung Quốc. Đồng thời cô lại có sở thích du lịch và mua sắm vì vậy Thu di chuyển liên tục giữa Hà Nội và Quảng Châu để vừa học tập vừa thỏa đam mê của mình, đồng thời nhập hàng về kinh doanh nhỏ.
Dưới đây là chia sẻ của Thu về cách đi Quảng Châu, thích hợp cho cả những người đi buôn bán hay đi chơi. Chi phí dao động trong khoảng 5 triệu đồng hoặc hơn một chút do những phát sinh nhỏ bao gồm đi lại, ở 3 ngày 2 đêm (nếu đi tàu) hoặc 4 ngày 3 đêm (nếu đi ôtô), ăn uống quán vỉa hè. Còn lại tốn thêm bao nhiêu là tùy vào nhu cầu mua sắm của cá nhân.
Hộ chiếu, visa, tiền nhân dân tệ, vé tàu hoặc vé xe nên đặt trước cho chủ động, tránh việc đến nơi mới mua sẽ có trường hợp bị hết vé, lỡ chuyến.
Chuẩn bị
Visa: Bây giờ làm rất nhanh. Bạn có thể làm dịch vụ (khoảng 65 USD) hoặc muốn tiết kiệm thì đến thẳng đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam, xin sau 4 ngày là được cấp.
Tiền tệ: Nên đổi ở Hà Nội (phố Hà Trung), khuyến cáo không nên đổi tiền ở cửa khẩu (khoảng 3.500 đồng/ tệ).
Phương tiện di chuyển
Trong các cách đi bằng máy bay, ôtô hay tàu cao tốc thì theo kinh nghiệm di chuyển nhiều lần giữa Hà Nội và Quảng Châu, Thu nhận thấy đi đường bộ là tiện lợi nhất.
* Tàu cao tốc (sáng sớm đi, chiều tối tới nơi)
Ngày 1: Xuất phát từ Hà Nội lúc 5h sáng, xe đón đến cửa khẩu khoảng 9h. Vé xe: 130.000 đồng, ăn sáng phở gà ở Lạng Sơn: 35.000 đồng.
Làm thủ tục xuất nhập cảnh ở cửa khẩu.
Bắt xe đi Nam Ninh, ở đây bạn sẽ gặp rất nhiều người Việt, nếu đi chung sẽ rẻ nhất, giá vé xe cao cấp khoảng 100 tệ/ người.
Vào bến tàu Nam Ninh khoảng 13h hoặc hơn chút xíu tùy thuộc vào lái xe.
Bạn nên mua vé tàu lúc 15-16h cho dư giả thời gian, tránh tình trạng gặp sự cố mà bị muộn tàu. Vé tàu khoảng 330 tệ/ khứ hồi.
Đến Quảng Châu tầm 19-20h, nhận phòng khách sạn, đi ăn uống, tham quan, mua sắm
Khách sạn: có hai khách sạn bạn sẽ gặp người Việt và giá tương đối tốt là Đức Chính (chủ người Việt) và Gia Viên (màu xanh) cạnh kho cô 7. Giá khách sạn khoảng 180-200 tệ/ đêm.
*Ôtô (giá vé khoảng 540 tệ/ người cho chuyến khứ hồi)
Ngày 1: 9-10h xe đón ở Hà Nội. 13-14h đến cửa khẩu làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Bắt taxi ra bến xe Bằng Tường (30 tệ). Chờ 17h30 lên xe, ngủ đến sáng hôm sau 7h tới bến xe Việt Tú Nam. Bến xe này cách hai khách sạn Đức Chính và Gia Viên chỉ 100-200 m.
Ngày 2, 3: Sáng đi chợ, chiều đi chợ, tối đi chơi, mua sắm, chụp hình, ăn uống...
Ngày 4: 12h trưa trả phòng, gửi hành lý dưới sảnh khách sạn, sau đó bắt taxi và mua sắm nốt trước khi về. Miễn sao 19h có mặt ở bến xe (nếu đi ô tô) hoặc 17h chiều ở bến tàu (nếu đi tàu cao tốc) là được. Ngày hôm sau đến cửa khẩu làm thủ tục xuất nhập cảnh và lên xe về Hà Nội.
Một số lưu ý trên đường đi
Các bạn có thể không cần thuê phiên dịch, tự đi sẽ tiết kiệm được 250 tệ/ ngày phiên dịch.
Khi không có phiên dịch, bạn có thể đi theo hướng nào tùy thích mà không sợ ảnh hưởng đến ai. Muốn trả giá hay yêu cầu gì cũng không ngại ngần gì. Đa số phiên dịch khi trả giá đều không tỉ mỉ cân nhắc đồng tiền lời lỗ như người mua hàng.
Bạn chỉ cần chỉ và chỉ, lắc đầu gật đầu, hỏi giá tiền với những câu đơn giản bằng tiếng Anh vì đa số dân ở đây nói không thạo tiếng Anh, nhưng họ có thể nhìn bạn chỉ và đoán được bạn muốn gì. Đặc biệt các bạn sẽ không lo bị chặt chém. Người bán hàng nói giá, bạn cân nhắc xem nên mua hay đi, sẽ không ai chửi bới hay bắt khách phải mua hàng.
Ở Quảng Châu có các khu chợ riêng cho từng mặt hàng, bạn nên dành một ngày đầu để tham quan và lựa chọn. Sau đó tới từng điểm lấy hàng mình cần, đôi khi có những nơi có hàng vừa đẹp giá lại rẻ, còn một số điểm bán hàng lại vừa mắc mà chất lượng không như ý.Khi cần đi mua sắm ở các trung tâm lớn, hàng hiệu và ăn uống thì bạn cần "thổ địa" dẫn đi. Hoặc trước khi đi viết ra giấy các điểm cần đến rồi đưa cho ông tài xế và đi. Nếu không biết tiếng Trung bạn có thể nhờ những người ở khách sạn ghi ra địa điểm muốn đi ra giấy.
Hàng Quảng Châu bán theo mùa, khí hậu nóng lạnh quyết định đến gu thẩm mỹ và hàng hóa bán ra ở từng cửa hiệu. Nên thường bạn đi mùa hè là hàng sẽ hợp với khí hậu Việt Nam hơn cả.
Không cần chuẩn bị sẵn tiền lẻ, vì người bán hàng luôn có sẵn tiền lẻ để trả cho bạn khi cần thiết. Và nhất là khi bạn đi buôn thì mang theo nhiều tiền chẵn sẽ gọn gàng hơn.
Chợ ở Quảng Châu thực chất là các trung tâm lớn với lực lượng an ninh khá tốt, bạn không cần lo chuyện cướp giật, chỉ cần cẩn thận mang túi xách và không để bị lạc mà thôi.
- Đi mua buôn ở chợ 13 十三 tại Quảng Châu là hàng quần áo thời trang rẻ nhất so với các nơi khác tại Trung Quốc. Bạn nên đi lùng nhiều để có hàng độc giá tốt. Tuy nhiên ở đây sẽ đóng cửa đúng 12h trưa. Khi đó bạn có thể tới các gian hàng đối diện trung tâm chợ để mua với giá cũng rất phải chăng. Ngoài ra, bạn còn có thể đi Zhanxi, Huimei, Baima... Tối đi Tianhecheng, Beijinglu ăn uống và mua sắm.
Nên mua hay mượn tại khách sạn chiếc xe đẩy hàng nhỏ để vận chuyển đồ mua được. Bạn cũng nên đi hai người để có một người ngồi trông hàng, người kia chọn mua, đỡ tốn chi phí đi lại. Hoặc nếu chỉ đi một mình, bạn đi lựa đồ và gom hoá đơn lại, sau đó xuống cổng chính thuê cửu vạn đi gom hàng (khoảng 50 tệ).
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ chủ từng cửa hàng mang xuống địa điểm mình đang đợi. Cách này tiết kiệm nhưng lại yêu cầu bạn phải giỏi tiếng và nói chính xác, không rất mất thời gian tìm kiếm, kiểm hàng.
Bạn nên lưu ý dù bận rộn, hàng hóa gói chặt thế nào cũng lấy ra kiểm lại. Quần áo thường bị trộn khác kích cỡ, gán mác này mà cỡ quần kia, hàng cũ đứt nút, quần bị rách lỗ, hàng cũ tân trang lại rất thường xuyên… Đôi khi họ còn ghi nhầm hóa đơn cho bạn. Tuyệt đối trả tiền sau khi đã nhận hàng đầy đủ, bởi bạn không thể ghé lại đổi hoặc trả hàng cho họ.
Đừng mua thẻ sim tại cửa khẩu vì giá đắt và thời gian gọi ít, đa số là sim khuyến mãi. Cứ mua một cái sim tại gần khách sạn và nạp tiền là sử dụng tốt nhất.Món ăn ở Trung Quốc đều dễ ăn, chỉ có giá tiền là khác nhiều. Hạn chế đi ở các tiệm ăn lớn giá rất đắt đỏ.
Nếu bạn muốn gắn bó lâu dài hơn cho các chuyến buôn hàng thì nên mua bản đồ và đi xe bus, giá rẻ hơn taxi 10 lần, mỗi lần đi 1,2 tệ, hoặc tàu điện ngầm. Nhưng sẽ rất khó đối với các bạn mới sang lần đầu hoặc thứ hai.
Kho đóng hàng: ở đây có rất nhiều kho đóng hàng cho bạn lựa chọn. Ngay cạnh hai khách sạn trên cũng có. 60 tệ tiền đóng bao va 22.000 đồng/kg về Hà Nội, các tỉnh khác sẽ đắt hơn, 100.000 đồng tiền xe ôm về tận nhà hoặc cửa hàng. Các bạn nhớ ghi rõ tên, số điện thoại người nhận hàng ở Việt Nam là được.
Chú ý
Trung Quốc chặn Facebook, nên khi sang đây các bạn nên tải trước tài khoản VPN để vào, kiểm tra hàng hoá và tiện liên hệ với mọi người ở nhà.